KHO BẠC NHÀ NƯỚC TỔ CHỨC CHUNG KẾT CUỘC THI TÌM HIỂU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KBNN ĐẾN NĂM 2030
10/07/2023 10:51 206
Ngày 09/7/2023, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức vòng Chung kết cuộc thi tìm hiểu chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 trong hệ thống KBNN với hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu tại các KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022. Chiến lược này được xây dựng trên quan điểm bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; là một bộ phận của Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 là xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN (NSNN) qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử; liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.
Để đạt được mục tiêu, Chiến lược đề ra 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước của Kho bạc Nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ; các nhiệm vụ, giải pháp khác.
Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chức, người lao động nói chung và đặc biệt đối với thế hệ trẻ trong hệ thống. Ngày 12/4/2023, KBNN đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi tìm hiểu “Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 trong hệ thống KBNN”. Cuộc thi là cơ hội để thế hệ trẻ trong toàn hệ thống nghiên cứu, nắm bắt thông tin, am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ của KBNN, khơi dậy tinh thần hăng say lao động, thấu hiểu lịch sử, truyền thống vẻ vang của ngành Kho bạc, đồng thời giúp cho Lãnh đạo KBNN các cấp được lắng nghe ý kiến, quan điểm, những đề xuất giải pháp từ tâm huyết của thế hệ trẻ ở mọi vị trí việc làm khác nhau trong toàn hệ thống KBNN.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Quân - Tổng Giám đốc KBNN nêu rõ, để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, Ban lãnh đạo KBNN nhận thức được rằng, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, điều quan trọng không thể thiếu và mang tính quyết định đó là sự chung tay, đồng tâm, đồng lòng của từng công chức, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống. Đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng thanh niên, đây là những chủ nhân tương lai của Kho bạc số.
Sau hơn ba tháng phát động Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được 4.422 bài dự thi của những thí sinh đến từ các đơn vị thuộc KBNN và 63 KBNN cấp tỉnh tham dự. Trong đó, có nhiều bài dự thi rất tâm huyết, được đầu tư công phu cả về hình thức và nội dung, đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá, có tính khả thi, thể hiện tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân với tương lai phát triển của hệ thống KBNN. Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 15 bài xuất sắc để được tham dự vòng Chung kết Cuộc, các thí sinh sẽ thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng giám khảo.
Sau 1 ngày diễn ra Chung kết cuộc thi đầy sôi nổi và nghiêm túc, Ban Giám khảo đã chấm điểm và trao giải cho các tập thể và cá nhân xuất sắc, cụ thể như sau:
1. Về giải tập thể:
- Giải Nhất thuộc về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan KBNN;
- 02 giải Nhì thuộc về KBNN Hà Nội và KBNN Thanh Hóa;
- 03 giải Ba thuộc về KBNN Tuyên Quang, KBNN Hải Dương và KBNN Hòa Bình.
2. Về giải cá nhân:
- Giải Nhất thuộc về công chức: Lại Thùy Linh - Kế toán viên KBNN Thọ Xuân, KBNN Thanh Hóa.
- 03 giải Nhì thuộc về các công chức: Nguyễn Minh Khuê - Chuyên viên, Cục Quản lý ngân quỹ KBNN; Hoàng Thúy Hạnh - Chuyên viên, Phòng KSC KBNN Tuyên Quang; Nguyễn Lê Linh - Chuyên viên, Văn phòng KBNN Hải Dương.
- 05 giải Ba thuộc về các công chức: Vũ Thị Tâm Thu - Chuyên viên, Văn phòng KBNN Hà Nội; Lê Mai Linh - Chuyên viên, Phòng KSC KBNN Hưng Yên; Bùi Thị Thanh Huyền - Chuyên viên, Văn phòng KBNN Hòa Bình; Nguyễn Bá Toàn - Giám đốc KBNN Tuy Đức, KBNN Đắk Nông và Lương Thị Nhàn - Kế toán viên, Phòng KTNN KBNN Bình Phước.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 06 giải Khuyến khích cho các thí sinh khác.
Một số hình ảnh tại cuộc thi
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 1558
Tổng số lượt xem: 847132