Truy cập nội dung luôn

Thủ tướng chỉ thị tăng cường thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước

22/04/2015 00:00    529

.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.

Nhằm chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành nhiệm vụ thu, chi trong tình hình mới và giữ vững cân đối NSNN năm 2015 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015, số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

 Tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh
 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% đã đề ra, tạo tiền đề phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN.
 Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015 đúng thời hạn đặt ra. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn nhà nước theo các quy định của Luật Đầu tư công.
 Bên cạnh đó tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.
 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
 Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu thô, chủ động làm việc với các đối tác liên doanh, các nhà điều hành khai thác rà soát lại chi phí sản xuất ở các mỏ, nhằm tối ưu hóa chương trình khai thác dầu khí một cách hiệu quả; kịp thời có giải pháp ứng phó với những biến động xấu nhất của giá dầu trong từng thời điểm của năm 2015, đảm bảo nguyên tắc có lãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả việc mua dự trữ dầu thô để đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả đầu tư.
 Bộ Tài chính thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công,...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả và chất lượng hàng hóa, nhất là giá cả các mặt hàng liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: Sữa cho trẻ em, giá cước vận tải,....
 Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế
 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu từ nội địa và xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 Quốc hội đã quyết định.
 Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô. Trên cơ sở đó, thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu ở mức phù hợp, trong khung thuế suất đã quy định để tăng thu cho NSNN. Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế.   
 Đồng thời tăng cường phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu NSNN, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế. Trong đó, tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.
 Bên cạnh đó đẩy mạnh việc xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế; tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm thanh toán nợ thuế; định kỳ công khai số thuế nợ đọng của từng địa phương, doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.
 Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN
 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo.
 Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ NSNN.
 Trong đó chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,…
 Thực hiện nghiêm quy định không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định.
 Tạm giữ lại tại Kho bạc Nhà nước 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách, không bao gồm các khoản: Chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ; tiết kiệm chi 10% để tạo nguồn cải cách tiền lương theo dự toán giao đầu năm; chi đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên nêu trên. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi trong dự toán được giao, xác định cụ thể số kinh phí tạm giữ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.
 Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp
 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định. Tổ chức điều hành chi NSNN theo nguyên tắc quản lý chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, như phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; 50% nguồn dự phòng ngân sách còn lại tạm giữ lại để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.
 Trong quá trình thực hiện, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao (mua sắm, sửa chữa....). Ngân sách trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương.
 Các địa phương chủ động đề ra các giải pháp nhằm hoàn thành và vượt dự toán thu NSNN năm 2015 để đảm bảo dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.
 Đối với số thu tiền sử dụng đất, trường hợp giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương cũng bị giảm thu tổng thể thì thực hiện cắt giảm, hoặc giãn tiến độ thực hiện của công trình, dự án được bố trí chi từ nguồn thu này.
 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại nêu trên (gồm: 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách, 50% dự phòng ngân sách các cấp) được căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
 Đối với các nguồn kinh phí tạm giữ lại của ngân sách trung ương, trường hợp dự kiến thu ngân sách trung ương năm 2015 đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.
 Trường hợp dự kiến thu ngân sách trung ương năm 2015 không đạt dự toán, căn cứ vào mức hụt thu cụ thể, sẽ cắt giảm các nguồn kinh phí tạm giữ lại cho đến khi bù đắp được số giảm thu, theo trật tự: 50% dự phòng ngân sách trung ương, 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm.
 Đối với các nguồn kinh phí tạm giữ lại của ngân sách địa phương, trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt dự toán, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.
 Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán: các nguồn kinh phí tạm giữ lại được sử dụng để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; nếu vẫn còn thiếu nguồn thì sử dụng thêm nguồn lực tài chính của địa phương (một phần quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, kết dư ngân sách địa phương năm 2014...); kết hợp với rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết,... để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương đảm bảo đủ 100% nhu cầu kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương theo chế độ; đồng thời, xem xét tạm ứng nguồn đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong một số trường hợp cần thiết.
 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đến tháng 8/2015, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế - ngân sách nhà nước và dự báo giá dầu thô cả năm, tính toán tác động của việc giá dầu giảm đến ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại trong quá trình điều hành NSNN năm 2015 nêu trên.

 

                                                                                                                 ​​Phan Hiển
                                                                                                               (Chinhphu.vn)

Sáng ngày 30/10/2024, KBNN Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định tuyển dụng 09 thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng công chức KBNN năm 2024. Đồng chí Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc KBNN Quảng Ngãi chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Đông, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS KBNN Quảng Ngãi; các đồng chí là đại diện Đảng uỷ, Công đoàn cơ sở, Đoàn thanh niên. Cùng dự có các đồng chí Trưởng, Phó phòng KBNN tỉnh và 09 công chức mới tuyển dụng trong năm 2024 của KBNN Quảng Ngãi. 

Trên cơ sở Kế hoạch tuyển dụng công chức KBNN năm 2024 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt; với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương của Hội đồng tuyển dụng công chức KBNN năm 2024, Kỳ thi tuyển dụng công chức KBNN năm 2024 đã được tổ chức thành công, đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch, khách quan và theo đúng quy định của pháp luật; đặc biệt, chú trọng yếu tố cạnh tranh, chọn đúng người có năng lực theo yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, khối lượng công việc ngày càng lớn của ngành. Kỳ thi là cơ hội để các thí sinh thể hiện năng lực, trí tuệ, kiến thức chuyên môn mà các thí sinh đã được đào tạo.

Kỳ tuyển dụng lần nay, KBNN Quảng Ngãi bổ sung 09 công chức có năng lực, trình độ vào các đơn vị trong hệ thống; các đơn vị được bổ sung công chức sẽ góp phần rất lớn trong giảm tải công việc, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ. 

Thay mặt Ban Lãnh đạo KBNN tỉnh, đồng chí Phan Thanh Hải trao quyết định tuyển dụng cho 09 tân công chức.

 

Phát biểu giao nhiệm vụ, thay mặt tập thể Ban Lãnh đạo KBNN Quảng Ngãi, đồng chí Phan Thanh Hải nhiệt liệt chào đón và gửi đến các công chức mới trúng truyển những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đây là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của 09 tân công chức, mong rằng các công chức với niềm vinh dự, tự hào được gia nhập ‘ngôi nhà chung’ ngành KBNN Việt Nam sẽ nỗ lực cố gắng, phát huy sự năng động, sáng tạo, tiên phong của tuổi trẻ để có những đóng góp xứng đáng vào thành công chung của ngành KBNN Việt Nam và của KBNN Quảng Ngãi.

 

Đồng chí Hải đề nghị các tân công chức cần ý thức được vinh dự, tự hào và trách nhiệm đối với công việc; nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến công chức; các quy định, quy chế làm việc của KBNN, cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; luôn bồi dưỡng năng lực, không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi, phát huy đầy đủ năng lực của bản thân và có những sáng kiến tốt đáp ứng các yêu cầu trong triển khai nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của Ngành.

 

“Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo KBNN Quảng Ngãi, xin chúc mừng 09 tân công chức và tin tưởng rằng với sự nỗ lực, cố gắng và tâm huyết các bạn sẽ góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của ngành KBNN Việt Nam.” – Phó Giám đốc Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Đại diện cho 09 công chức mới tuyển dụng, công chức Nguyễn Thị Thu Trang gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tập thể lãnh đạo KBNN Quảng Ngãi cũng như thủ trưởng các đơn vị đã quan tâm, tạo điều kiện cho công chức mới nhận nhiệm vụ. Đồng thời, cam kết dù trong hoàn cảnh nào, đội ngũ công chức mới tuyển dụng cũng sẽ không ngừng nỗ lực, học hỏi, trau dồi, cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm kỷ luật, quy chế trong thực thi nhiệm vụ. Từ đó, xây dựng KBNN Quảng Ngãi ngày càng phát triển, tinh gọn, đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại diện các tân công chức hy vọng sẽ nhận được sự thông cảm, chia sẻ, chỉ bảo tận tình của các Lãnh đạo, các đồng nghiệp đi trước, tạo điều kiện cho các tân công chức bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

30/10/2024

         Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi; với tinh thần “tương thân tương ái,” “nhường cơm sẻ áo”, chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào; công chức, người lao động trong hệ thống KBNN Quảng Ngãi đã tự nguyện trích 01 ngày lương để ủng hộ đồng bào miền Bắc nhằm hỗ trợ, góp thêm nguồn lực cùng đồng bào khắc phục thiệt hại, vượt qua khó khăn do cơn bão số 3 và lũ lụt gây ra.

          Sáng ngày 16/9/2024, tại cơ quan UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, ông Phạm Văn Đông, Phó Giám đốc KBNN Quảng Ngãi đã trao bảng tượng trưng số tiền 90 triệu đồng của công chức, người lao động trong hệ thống KBNN Quảng Ngãi.

 

        Tính đến trưa ngày 16/9/2024, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi được số tiền gần 7 tỷ đồng từ hơn 150 cá nhân và đơn vị tổ chức ủng hộ. Ngoài số tiền này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã trích từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng.

          Uớc tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong số đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.

          Đến nay, đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương./.

16/09/2024

1. Chỉ tiêu xét tuyển: 01 chỉ tiêu hợp đồng lao động vị trí Nhân viên lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền.

2. Đơn vị cần tuyển: Cơ quan KBNN Quảng Ngãi.

3. Dự kiến thời gian tổ chức xét tuyển: Tháng 8 năm 2024.

4. Địa điểm tổ chức xét tuyển: KBNN Quảng Ngãi, 172 Hùng Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Chi tiết theo file đính kèm./.

31/07/2024

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia công tác ngày 05 tháng 12 năm 1967; vào Đảng ngày 19 tháng 12 năm 1967.

Ảnh. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (1944-2024) - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

 

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Tháng 12/1967: Đồng chí làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); ngày 19 tháng 12 năm 1967, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 8/1968 - Tháng 8/1973: Đồng chí là cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản; đi thực tế ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội); làm Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản.

Tháng 9/1973 - Tháng 4/1976: Đồng chí làm nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Tháng 5/1976 - Tháng 8/1980: Đồng chí làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Chi bộ.

Tháng 9/1980 - Tháng 8/1981: Đồng chí học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 9/1981 - Tháng 7/1983: Đồng chí là thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tháng 8/1983 - Tháng 8/1987: Đồng chí làm Phó Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.

Tháng 9/1987 - Tháng 02/1989: Đồng chí làm Trưởng Ban Xây dựng Đảng; Phó Bí thư Đảng uỷ (từ tháng 7/1985 - tháng 12/1988), Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tạp chí Cộng sản (tháng 12/1988 - tháng 12/1991).

Tháng 3/1989 - Tháng 4/1990: Đồng chí làm Uỷ viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tháng 5/1990 - Tháng 7/1991: Đồng chí làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tháng 8/1991 - Tháng 8/1996: Đồng chí làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (tháng 01/1994), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.

Tháng 8/1996 - Tháng 02/1998: Đồng chí làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.

Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII.

Tháng 02/1998 - Tháng 01/2000: Đồng chí phụ trách công tác Tư tưởng - Văn hoá và Khoa giáo của Đảng.

Tháng 3/1998 - Tháng 11/2006: Đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (tháng 11/2001 - tháng 8/2006).

Tháng 8/1999 - Tháng 4/2001: Đồng chí Tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 01/2000 - Tháng 6/2006: Đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội các khoá XII, XIII, XIV.

Tháng 5/2002 - đến nay: Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV.

Tháng 6/2006 - Tháng 7/2011: Đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Tháng 01/2011 - đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá XI, XII, XIII, Bí thư Quân uỷ Trung ương.

Tháng 02/2013 - đến nay: Đồng chí làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tháng 8/2016 - đến nay: Đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Tháng 10/2018 - 4/2021: Đồng chí làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Tháng 4/2021 - đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Do có nhiều công lao to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế: "Huân chương Vàng quốc gia" của Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, "Huân chương Hữu nghị" của Đảng và Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, "Giải thưởng Lênin" giải thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga; "Huân chương José Marti" của Đảng, Nhà nước Cộng hoà Cu Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác./.

Nguồn:(https://baochinhphu.vn/)

22/07/2024

      Hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2024 của BCH Đoàn khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, ngày 06/7/2024, Chi đoàn KBNN Quảng Ngãi đã tích cực tham gia chương trình “Nấu ăn cho em” tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ.

      Đây là hoạt động thiết thực nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” thể hiện trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội; đồng thời, thể hiện sự đoàn kết, phối hợp, tinh thần xung kích của đoàn viên thanh niên trong hành trình thắp lửa, mang yêu thương về cho người dân và các em học sinh tại vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh nhà. 

 

 

       Song song với chương trình "Nấu ăn cho em", cũng trong ngày 06/7/2024 Đoàn viên Chi đoàn KBNN Quảng Ngãi đã tích cực tham gia Ngày hội “Hiến máu tình nguyện năm 2024” tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng do Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức. 
       Hiến máu tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng là cách tuyệt vời để đoàn viên lan tỏa, sẻ chia tình yêu thương và kết nối đến những người cần giúp đỡ. Cảm giác thật hạnh phúc khi biết mình đã làm điều tốt cho cộng đồng.
HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN - HÀNH ĐỘNG NHỎ, Ý NGHĨA LỚN!

 

09/07/2024

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 816

Tổng số lượt xem: 847152

Bản quyền © 2015 thuộc Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Địa chỉ: 172 Hùng Vương, TP. Quảng Ngãi. Điện thoại: 0255.3819868/2221742/3822776, Fax: 0255.3822778; Email:kbnn-quangngai@vst.gov.vn

Chịu trách nhiệm nội dung: Tổ biên tập trang web kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi